“Nút thắt cổ chai” của ngành công nghiệp thang máy Việt Nam

“Nút thắt cổ chai” của ngành công nghiệp thang máy Việt Nam

Trong khi các doanh nghiệp thang máy quốc tế chú trọng đầu tư vào các hoạt động R&D, phần lớn doanh nghiệp thang máy Việt lại thiếu đi sự đầu tư bài bản vào hoạt động này, chủ yếu lựa chọn đi theo lối mòn là nhập linh, phụ kiện về lắp ghép, giá trị gia tăng rất nhỏ.

Doanh nghiệp quốc tế chú trọng tới R&D

Hoạt động nghiên cứu và phát triển (Research and Development – R&D) là quá trình tích lũy và sáng tạo kiến thức, công nghệ. Cụ thể, các doanh nghiệp sử dụng kho tri thức hiện có (trong nước hoặc nước ngoài) cùng với các yếu tố đầu vào khác (vốn, lao động) để tạo ra đầu ra là tri thức mới và các phát minh mới (sáng tạo công nghệ).

Trong bối cảnh thị trường thang máy cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhu cầu người tiêu dùng ít hơn về số lượng và khắt khe hơn về chất lượng đã khiến các doanh nghiệp thang máy quốc tế như KONE, Schindler, Mitsubishi, Otis, Thyssenkrupp, Hyundai… đẩy mạnh các chiến lược đầu tư bám vào R&D.

thang máy

Theo báo cáo của IMARC Group, một tập đoàn nghiên cứu thị trường hàng đầu tại Mỹ, quy mô thị trường thang máy thông minh năm 2022 đạt giá trị 25,8 tỷ USD, dự báo tới năm 2028 quy mô thị trường này sẽ tăng lên 42,2 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng CAGR của thị trường thang máy thông minh được dự báo là 9,1%.

Thông qua việc đầu tư vào R&D, thang máy thông minh ngày càng chiếm thị phần lớn hơn, các doanh nghiệp đưa ra nhiều cải tiến về công nghệ, chất lượng nhằm thu hút người dùng.

Từ việc lắp đặt, bảo trì, sửa chữa thang máy tới hệ thống bảo mật, tính an toàn của người dùng đều được các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại về robot, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), đám mây và dữ liệu lớn (Bigdata)…

Có thể thấy, các doanh nghiệp thang máy quốc tế rất chú trọng vào hoạt động R&D với mục tiêu cuối cùng chính là tăng thị phần của mình trong một thị trường thang máy ngày càng có nhiều yêu cầu khắt khe hơn từ phía người tiêu dùng. Việc nắm giữ những công nghệ lõi cũng chính là “vũ khí” giúp các doanh nghiệp này đứng vững.

Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp thang máy Việt Nam đang chạy đua theo việc mua thiết bị, linh kiện từ nước ngoài, sau đó lắp ghép với giá trị gia tăng rất nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp mới có thể tự chủ được về mặt cơ khí, song về phần điện thì vẫn còn phụ thuộc nhập khẩu rất nhiều.

Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn chưa đầu tư vào R&D

thang máy+

Theo thống kê từ Hiệp hội Thang máy Việt Nam, tính tới nay, cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy. Dù vậy, phần lớn doanh nghiệp thang máy đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có bộ phận R&D hay chú trọng đầu tư vào mảng hoạt động này.

Việc các doanh nghiệp thang máy Việt chưa mặn mà với hoạt động R&D cũng không khó hiểu khi ngành thang máy là một ngành nghề còn non trẻ, tuổi đời trên dưới 20 năm. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia trên thế giới, lĩnh vực này đã được phát triển từ rất lâu, đi trước chúng ta hàng thế kỷ.

Ngược lại, việc đầu tư vào R&D có chi phí cao, thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả có thể không như mong muốn… khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà dành chi phí cho R&D, nhất là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ – có xu hướng tập trung vào giá trị sản phẩm, dịch vụ trước mắt hơn là R&D, xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, khó khăn của nhiều doanh nghiệp thang máy Việt còn nằm ở những rào cản trong quá trình huy động, tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và các quỹ đầu tư rủi ro.

Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, 86% doanh nghiệp phải sử dụng vốn tự có cho hoạt động R&D. 11% doanh nghiệp phải đi vay tín dụng để đầu tư cho hoạt động này. Chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn ngân sách hỗ trợ của Chính phủ.

Theo số liệu khảo sát mới nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%) và đặc biệt là Lào (14,5%).

Về phía Nhà nước, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ (cả khu vực Nhà nước và tư nhân) cũng chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)…

Cần có sự đổi mới và thúc giục doanh nghiệp đẩy mạnh R&D

Để doanh nghiệp tiến xa hơn, từ góc độ chính sách, Nhà nước cũng cần nâng cao vai trò là “bà đỡ” thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, trung tâm R&D, khởi nghiệp sáng tạo.

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nguồn nhân lực, mở rộng hình thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay từ các quỹ nhà nước đối với các dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Khi nguồn lực công nghệ đã ở mức độ nhất định, Nhà nước cũng cần tăng các tiêu chuẩn sản phẩm cũng như yêu cầu về công nghệ nhằm tạo sức ép nhất định để các doanh nghiệp trong và ngoài nước nâng cấp quy trình sản phẩm, nghiên cứu công nghệ mới và thị trường.

Nhà nước cũng cần có những quy định về tỷ lệ đầu tư cho R&D trên doanh thu hoặc lợi nhuận, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cấp khả năng sản xuất, giới thiệu sản phẩm, qua đó nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, nhiều ông lớn công nghệ trên thế giới đã chọn Việt Nam làm điểm đầu tư R&D như: Samsung xây dựng trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD trong khi Qualcomm chọn Việt Nam là nơi đặt trung tâm R&D đầu tiên ở Đông Nam Á…

Mặc dù thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp FDI trong ngành thang máy chủ yếu đầu tư vào hoạt động thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, với dư địa phát triển của ngành cùng các chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước, không loại trừ khả năng nhiều công ty, tập đoàn thang máy lớn lựa chọn Việt Nam làm điểm đến để xây dựng nhà máy sản xuất, các trung tâm R&D.

Sự tăng nhiệt đầu tư các trung tâm R&D của các tập đoàn lớn thế giới trong thời gian qua đã tạo ra môi trường để Việt Nam cũng như các ngành nghề chế biến, chế tạo phân định rõ ràng hơn về sự lựa chọn của mình, trở thành công xưởng gia công hay trung tâm R&D?

Theo: Tạp chí thang máy Việt Nam

—————————-

Trải qua hơn 17 năm thành lập và phát triển, Hạo Phương đã trở thành đối tác đầy tin cậy trên lĩnh vực phân phối và nhập khẩu các phụ kiện an toàn, thiết bị phụ kiện, máy kéo thang máy, đầu cửa thang máy, tủ điều khiển, tủ cứu hộ,…

Các sản phẩm được kiểm định nghiêm ngặt, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và đến từ các thương hiệu nổi tiếng như: Fuji Engineering, Fuji Technology, Fuji Global, Liftech,… giúp tối ưu trải nghiệm di chuyển cũng như quá  trình vận chuyển hàng hóa, vật dụng,… của khách hàng.

Với đầy đủ nguồn nhân lực, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn,… Hạo Phương tự tin đáp ứng được hết mọi nhu cầu trong ngành và luôn sẵn sàng cung cấp đến ngôi nhà, khách sạn, nhà nghỉ,… của bạn các thiết bị thang máy chất lượng, giá cả hợp lý với dịch vụ lắp đặt thang máy cũng như bảo hành tận tình, nhanh chóng nhất.

Quý khách hàng có nhu cầu vui lòng liên hệ qua Hotline: 1800 6547
Hoặc để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất!