Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ 100 triệu Yên không hoàn lại; để đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia về hệ thống robot và tự động hóa (TĐH) cho TP.HCM nói riêng; các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
Hình ảnh tại trung tâm đào tạo SHTP
Đào tạo chuyên gia robot.
Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) vừa đưa vào hoạt động xưởng thực hành TĐH từ nguồn vốn do JICA tài trợ nêu trên. Xưởng gồm có 4 hệ thống thực hành cơ điện tử và TĐH và 4 robot công nghiệp với nguồn vốn đầu tư gần 41 triệu Yên.
Thông qua nhà xưởng này, Công ty Cổ phần Toyooka (Nhật Bản) – đơn vị triển khai dự án tài trợ của JICA – sẽ triển khai đào tạo cho đội ngũ giảng viên của Trung tâm đào tạo SHTP; để đội ngũ này trở thành các chuyên gia đào tạo về cơ điện tử và robot tự động hóa trong tương lai ở Việt Nam.
Chuyển giao công nghệ robot tự động hóa
Sau đó cùng trung tâm xây dựng và chuyển giao các chương trình đào tạo, tiến hành khảo sát các doanh nghiệp về nhu cầu đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ robot tự động hóa để từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp, tổ chức đào tạo cho đội ngũ lao động của các doanh nghiệp về lĩnh vực cơ điện tử và robot tự động hóa.
Theo ông Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý SHTP, dự án này có những mục tiêu như: đào tạo chuyên gia về hệ thống robot và tự động hóa tại trung tâm đào tạo SHTP; khảo sát nhu cầu và năng lực sử dụng các hệ thống robot và tự động hóa trong các doanh nghiệp đang hoạt động trong SHTP, TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, dự án này còn là cơ sở để chuyển giao công nghệ tiên tiến của Nhật Bản về lĩnh vực robot và tự động hóa cho các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam trong tương lai.
“Mục tiêu của dự án này cũng là một trong những nhiệm vụ trọng điểm của SHTP về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để cung cấp và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao ở trong SHTP cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận”, ông Quốc nhấn mạnh.
TP.HCM sẽ có trung tâm công nghệ robot?
Theo ông Sakai Toshifumi, trưởng đại diện phía Nam của JICA Nhật Bản, một đất nước muốn hướng tới đạt được công nghiệp hóa, để chuyển hoán từ công nghiệp gia công hình thức tập trung lao động thì việc du nhập và phổ biến công nghệ chế tạo, gia công có độ tinh xảo cao là “điều không thể tránh được”.
“Nếu dự án có thể dùng các loại robot này để giới thiệu và phổ biến được công nghệ chế tạo, gia công độ tinh xảo cao tại Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng việc chuyển hoán từ công nghiệp gia công tập trung lao động sang công nghiệp chế tạo sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng sẽ có bước tiến lớn”, ông Sakai Toshifumi nhận định.
Cánh tay Robot công nghiệp tại nhà xưởng.
Ông Lê Hoài Quốc cho biết: “Thành công của dự án sẽ là tiền đề quan trọng để SHTP tiến đến thành lập một trung tâm đào tạo Việt – Nhật về công nghệ robot tự động hóa cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong tương lai”.Theo ghi nhận của chúng tôi, dự án là bước đầu trong chiến lược hợp tác lâu dài giữa SHTP với các đối tác có uy tín của Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.
Tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam
Ông Sakai Toshifumi cho biết thêm: “Việt Nam hiện đang có tổng cộng khoảng 80 dự án ODA của doanh nghiệp Nhật Bản, đây cũng là con số lớn nhất so với các nước khác trên thế giới. Điều đó thể hiện các doanh nghiệp Nhật Bản rất chú ý đến tính tăng trưởng tiềm năng, khả năng phát triển của Việt Nam.
JICA hy vọng nhờ các hoạt động liên tục này của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không chỉ giúp Việt Nam giải quyết được các vấn đề kinh tế xã hội mà còn tạo ra hiệu quả kinh tế giúp gia tăng việc tuyển dụng lao động địa phương và xúc tiến trao đổi kỹ thuật”.
Nguồn: nhipsongso.tuoitre.vn