Thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã gây ra thiệt hại 235 tỉ USD cho Nhật Bản. Sau 8 năm, hậu quả của thảm họa này còn ảnh hưởng đến hiện tại như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Nhìn lại diễn biến của thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Vào ngày 11/3/2011, trận động đất lớn Tōhoku đã gây ra một cơn sóng thần cao 15 mét. Cơn sóng này làm rung chuyển bờ biển phía đông Nhật Bản. Sóng thần tràn vào các tòa nhà. Chúng đã làm vô hiệu hóa hệ thống làm mát và cung cấp năng lượng cho 3 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Fukushima Daiichi. Kéo theo đó là việc các thanh nhiên liệu hạt nhân bị quá nóng.
Cùng lúc đó, các máy phát điện làm mát khẩn cấp không hoạt động khi mất điện. Các vụ nổ xảy ra trong các tòa nhà chứa lò phản ứng. Chính điều này đã khiến vật liệu hạt nhân bị rò rỉ ra khỏi nhà máy. Khi mọi hệ thống phản ứng khẩn cấp đều ngừng hoạt động, cả 3 lõi nhiên liệu đều tan chảy gần như hoàn toàn trong 3 ngày đầu tiên.
Các vụ nổ liên tiếp xảy ra trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Hậu quả mà thảm họa hạt nhân này mang lại
Theo Hiệp hội hạt nhân thế giới, thảm họa này đạt điểm 7 trên thang INES (International Nuclear Event Scale – Thang đo sự kiện hạt nhân và phóng xạ quốc tế). Đồng thời nó đã giải phóng 940 PBq (Peta Becơren) chất phóng xạ ra môi trường bên ngoài. Con số này bằng khoảng khoảng 15 đến 18% so với lượng phóng xạ thoát ra trong thảm họa Chernobyl (5.200 PBq). Tổng số người chết và người mất tích được xác nhận là hơn 22.000.
Chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh sơ tán khẩn cấp đối với hơn 154.000 người sau thảm họa vì lo ngại về phóng xạ. Tính đến năm ngoái, hầu hết những người này, khoảng 97.000, vẫn phải sống xa nhà. Cho đến nay, Fukushima là thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử Nhật Bản. Thiệt hại kinh tế của thảm họa này ước tính khoảng 235 tỷ USD.
Công tác khắc phục hậu quả sau thảm họa
Cả chính phủ và các tổ chức tư nhân Nhật Bản đều đang tham gia vào công tác dọn dẹp sau thảm họa Fukushima kể từ năm 2011. Đến đầu năm 2016, ước tính công việc này vẫn còn phải thực hiện trong 30 đến 40 năm nữa. Các tòa nhà chứa 3 lò phản ứng vẫn được chiếu xạ triệt để.
Các nhà khoa học đang khảo sát tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị quản lí nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã sử dụng robot để đánh giá thiệt hại của thảm họa. Đặc biệt là ở những khu vực có quá nhiều bức xạ mà con người không thể tiếp cận. Toshiba, một đối tác trong nỗ lực dọn dẹp, đã cung cấp một robot giống bọ cạp để đánh giá thiệt hại.
Robot đánh giá thiệt hại sau thảm họa hạt nhân Fukushima
Công ty này cũng đã tạo ra một loại robot đổ bộ. Mục đích là để dọn dẹp tất cả những mảnh vụn còn sót lại của các thanh nhiên liệu hạt nhân. Không may, bức xạ đã làm cho những con robot này không thể hoạt động ổn định trong thời gian dài.
Hình ảnh bên trong nhà máy được robot thăm dò ghi lại
Tương lai ngành năng lượng hạt nhân
Thảm họa Fukushima một lần nữa làm bùng nổ cuộc tranh luận toàn cầu về năng lượng hạt nhân. Mặc dù vậy cũng phải khẳng định một điều tích cực. Đó là năng lượng hạt nhân đã trở nên an toàn hơn rất nhiều sau khi thảm họa Fukushima xảy ra. Với công nghệ hiện tại, các thảm họa hạt nhân tương tự giờ đây có thể phòng tránh được. Hơn nữa, các hệ thống an toàn hiện tại có thể làm mát lò phản ứng ngay cả khi mất điện. Tiêu chuẩn này là bắt buộc trong ngành công nghiệp hạt nhân kể từ sau thảm họa.
Các nhà máy hạt nhân tạo ra năng lượng sạch mà không có khí thải nhà kính. Từ đó góp phần ngăn ngừa khoảng 80.000 ca tử vong do ô nhiễm không khí hàng năm. Hạt nhân cũng an toàn hơn hầu hết các nguồn năng lượng khác. Cụ thể thì khí đốt tự nhiên nguy hiểm gấp 1,3 lần. Than đá nguy hiểm gấp 27 lần. Thủy điện nguy hiểm gấp 46 lần.
Mặc dù Fukushima là một thảm kịch mà thế giới sẽ không bao giờ quên. Nhưng nó cũng không thể phủ nhận nhiều lợi ích mà năng lượng hạt nhân mang lại. Nhiệm vụ chúng ta cần làm bây giờ là đảm bảo an toàn cao nhất cho các nhà máy này trên khắp thế giới.